Số 33 Phố Huế
quận Hoàn Kiếm, Hà Nộiinfo@thdv.vn
Giờ làm việc: 9h - 16h+84 2439449118
HotlineTiếng Việt
English
23/06/2023 - Vừa qua, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Qua diễn đàn nhiều ý kiến của các chuyên gia đã “khơi thông” và chỉ rõ những “điểm nghẽn” khi phát triển kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh.
Cần có ngân hàng xanh
Tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, tài chính xanh vô cùng quan trọng nên phải được lồng ghép và có nhiều điểm nhấn, nhất là những chính sách liên quan đến việc thúc đẩy tài chính xanh. Theo đó, TS Võ Trí Thành cũng đưa ra một số lưu ý, cụ thể:
Một là, bên cạnh những cái gọi là tiêu chí xanh thì đối với các định chế tài chính, các dự án... nguyên tắc thị trường rất quan trọng.
Hai là, tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn là sáng tạo có rủi ro vì vậy phải có cách chia sẻ rủi ro ấy thì thị trường mới vận hành, các nhà đầu tư - định chế tài chính mới tham gia vào quá trình này.
Ba là, câu chuyện thành lập định chế để cho thúc đẩy tài chính xanh cần cân nhắc thành lập ngân hàng xanh, đầu tư xanh. Riêng với Việt Nam thì có thể cân nhắc kỹ hơn quỹ đầu tư tài chính xanh hoặcngân hàng thương mại bán buôn liên quan đến tài chính xanh.
Bốn là, cách huy động vốn tài chính truyền thống rất quan trọng nhưng không còn phù hợp với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh vì vậy cần đa dạng các loại hình, công cụ, huy động các loại hình định chế tài chính để thúc đẩy phát triển tài chính xanh.
Ở khía cạnh khác, ông Mai Huy Tân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững Mekong bày tỏ, lúc này doanh nghiệp cần hỗ trợ xây dựng cơ chế thử nghiệm để biết cần có gì để triển khai được các mô hình. Đồng thời mong các nhà hoạch định chính sách sớm ban hành nghị định hoặc cao hơn là luật về mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và trong năng lượng tái tạo.
Thứ 2 là cần có những quy hoạch sẵn sàng để cho các doanh nghiệp có đất đầu tư phục vụ tốc độ tăng trưởng thần tốc về kinh tế tuần hoàn.
Thứ 3 là cần phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế để sớm ra đời quỹ tín dụng xanh hoặc các nguồn tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Mai Huy Tân, Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Mekong chia sẻ ý kién tại diễn đàn.
Theo ông Tân, khó khăn đầu tiên đối với doanh nghiệp khi quyết định xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn là cần phải vượt qua những khó khăn về cơ chế và thủ tục .
Cùng quan điểm với ông Tân, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần phải có những cải cách, những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền đặc biệt là cấp thực thi ở địa phương.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
“Dưới góc độ nghiên cứu thì chúng tôi cho rằng trong thời gian sắp tới chắc chắn là vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thông qua việc chúng ta phải rà soát các quy định pháp luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định. Nếu làm được như vậy thì các bộ ngành và đặc biệt là các địa phương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc áp dụng các quy định pháp luật để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương. Bên cạnh đó thì để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chúng tôi cho rằng cần phải có sự rà soát lại điều kiện kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có thể tạo ra một môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp”, bà Minh cho biết.
Bà Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, có thể nói phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, nhưng làm thế nào để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thì cần có lộ trình. Việc thử nghiệm cơ chế phù hợp sẽ giúp cho việc hoạch định lộ trình và khung pháp lý cần thiết để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Cần sớm cải cách cơ chế
Diễn đàn cũng nêu kết quả khảo sát đánh giá các thách thức, trở ngại đối với phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó thách thức chính là năng lực thể chế, càng cho thấy việc cải cách thể chế cho phát triển kinh tế tuần hoàn là cần thiết và thử nghiệm cơ chế phù hợp là hướng đi đúng.
Từ góc độ cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, sẽ cần có những mô hình kinh tế tuần hoàn được thử nghiệm và áp dụng cơ chế đề xuất. Nếu vậy trước tiên cần có tiêu chí/tiêu chuẩn để nhận diện mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng cơ chế ưu đãi. Hoặc nếu tiếp cận từ đối tượng chính sách thì cần hình dung điều kiện để đối tượng có thể tiếp cận chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và cách thức thẩm định, có thể rất khó trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ một phần có tính chất “tuần hoàn”. Và dù là theo cách tiếp cận nào thì cũng cần thiết kế đánh giá hoạt động thử nghiệm một cách khoa học, tốt nhất là có khảo sát trước, trong và sau khi hoàn tất thử điểm để có thể có bằng chứng xác đáng về kết quả thử điểm làm cơ sở đề xuất chính sách, cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp để triển khai đồng bộ trên cả nước.
Các đề xuất về lĩnh vực thử nghiệm và chính sách thử nghiệm là rất quan trọng, do vậy cần có căn cứ xác đáng cho các đề xuất này, để thuyết phục việc chọn 4 lĩnh vực thử nghiệm là phù hợp, 6 nhóm chính sách là khả thi và cần được ưu tiên trong giai đoạn này. Việc đề xuất về chính sách tài chính xanh, trái phiểu xanh của tham luận trước, cần có thêm tranh luận, phản biện để thống nhất, bổ sung. Có thể thấy đây là chủ đề rất mới, chưa có nhiều nghiên cứu sâu, rất cần có thêm thông tin, khảo sát, phỏng vấn chuyên gia,… để có căn cứ thiết kế chi tiết việc thử nghiệm và áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo https://doanhnghiepvadautu.info.vn/