Số 33 Phố Huế
quận Hoàn Kiếm, Hà Nộiinfo@thdv.vn
Giờ làm việc: 9h - 16h+84 2439449118
HotlineTiếng Việt
English
Sáng ngày 29/6/2023, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và đô thị - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Chương trình nghiên cứu Tăng trưởng thích ứng với khí hậu (Climate Compatible Growth) đồng tổ chức Tọa đàm khởi động Mạng lưới Tăng trưởng thích ứng với khí hậu Việt Nam.
Tham dự Toạ đàm, về phía đại biểu ngoài trường có, ông Tom Thornley - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh tại Hà Nội; bà Phan Thị Liên Hương - Quản lý Chương trình Nghiên cứu và Đổi mới, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội; TS. Lara Allen - Trưởng nhóm Đối tác Quốc gia CCG, Giám đốc điều hành Trung tâm Bình đẳng Toàn cầu (CGE); GS. Adam Hawkes - Trưởng nhóm thiết kế hệ thống, ĐH Hoàng gia Luân Đôn; TS. Beth Tennyson - Quản lý Chương trình Quốc gia CCG và CGE; TS. Lucas Somavilla - ĐH Luân Đôn; TS. Michael Parsons - Cố vấn chính sách của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc CTCP Năng lượng BCG; ông Phạm Nam Hưng - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đỗ Đức Tiến - Công ty TNHH Dịch vụ Năng lượng EKI; TS. Mai Huy Tân - Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Phát triển Xanh THDV, cùng hơn 140 đại biểu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu từ Bắc vào Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học; TS. Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; PGS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng Khoa Môi trường, BĐKH và Đô thị; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn trường.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Tọa đàm
Thay mặt lãnh đạo Trường, GS.TS Phạm Hồng Chương chào mừng các đại biểu, các chuyên gia và các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đến tham dự Tọa đàm khởi động Mạng lưới Tăng trưởng thích ứng với khí hậu (CCG) Việt Nam. GS.TS Phạm Hồng Chương kỳ vọng rằng Mạng lưới CCG Việt Nam - một thành viên mạng lưới CCG toàn cầu phải là một cầu nối có hiệu quả để hỗ trợ kết nối các nhóm đối tác trong nước với các đối tác quốc tế thực hiện các dự án nghiên cứu có tác động chính sách sâu sắc, giải quyết được các vấn đề thực tiễn tại Việt Nam. Thông qua Hiệp hội Đối tác Đại học, đứng đầu là Đại học Loughborough và các Đại học Luân Đôn, Oxford, Cambridge, Imperial, Đại học Mở, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Thụy Điển, nhóm điều phối mạng lưới CCG Việt Nam tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (CCG-NEU) sẽ sớm triển khai các kế hoạch để kết nối và hỗ trợ các đối tác đề xuất các nghiên cứu, cung cấp các bằng chứng, công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm như năng lượng, giao thông, các quá trình công nghiệp, kinh tế tuần hoàn và phát triển thị trường các-bon. Tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Hồng Chương cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực và đóng góp quan trọng của Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học đối tác ở Anh với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong tương lai gần, GS. Hiệu trưởng hy vọng mối quan hệ hợp tác này sẽ mở rộng và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên.
Ông Tom Thornley - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phát biểu chào mừng
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, ông Tom Thornley - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh đã gửi lời cảm ơn đến các quý vị đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự Tọa đàm khởi động mạng lưới CCG Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Tọa đàm sẽ đạt được thành công vượt trội, góp phần kết nối các bên liên quan triển khai các nghiên cứu phù hợp với nhu cầu và thực tiễn, hướng đến đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050.
Tại phiên toàn thể, TS. Lara Allen - Giám đốc Trung tâm Bình đẳng Toàn cầu, Đại học Cambridge và TS Beth Tennyson - Quản lý Chương trình Quốc gia của CCG và CGE đã cũng cấp cái nhìn tổng quan và giới thiệu về mạng lưới CCG toàn cầu. Theo đó, 38 triệu Bảng Anh sẽ được Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung & Phát triển của Vương quốc Anh tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2026). Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm mà CCG định hướng các tổ chức, cá nhân đề xuất nghiên cứu hướng tới Net zero bao gồm chuyển đổi năng lượng, giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn và thị trường carbon.
TS. Nguyễn Hoàng Nam - Điều phối viên quốc gia Mạng lưới CCG Việt Nam giới thiệu mạng lưới, tầm nhìn và sứ mệnh
Trong phần trình bày tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Hoàng Nam -Điều phối viên quốc gia Mạng lưới CCG Việt Nam đã chia sẻ về các mục tiêu cụ thể của mạng lưới CCG Việt Nam, mục tiêu của buổi Tọa đàm, các kế hoạch sắp tới. Theo đó, mạng lưới CCG Việt Nam sẽ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu có tính ứng dụng cao tại Việt Nam; Tổ chức hội thảo Mạng lưới CCG Việt Nam thường niên; Hợp tác với các trường và chuyên gia thuộc CCG toàn cầu để xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn tại Đại học Kinh tế Quốc dân và các cơ sở đào tạo khác; Chia sẻ các công cụ, mô hình, sản phẩm của CCG, để nâng cao năng lực tại Việt Nam; Cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu đề xuất với các quỹ/gói tài trợ của CCG; Kết nối với các Mạng lưới CCG tại quốc gia khác.
Cũng trong phiên toàn thể, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã lắng nghe 5 bài trình bày đến từ các chuyên gia tư vấn, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp về các chủ đề liên quan. Cụ thể, (1) TS. Michael Parsons trình bày chủ đề “Các vấn đề trọng yếu về năng lượng, hệ thống giao thông, kinh tế tuần hoàn và thị trường carbon tại Việt Nam”; (2) ông Phạm Nam Hưng - Cục Biến đổi khí hậu trình bày chủ đề “Chính sách phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, vai trò của các bên liên quan”; (3) ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng BCG trình bày chủ đề “Quan điểm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam từ các nhà đầu tư tư nhân”; (4) ông Đỗ Đức Tiến, Công ty TNHH Dịch vụ Năng lượng EKI trình bày chủ đề “EKI và thị trường Các-bon tại Việt Nam”; (5) TS. Mai Huy Tân - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phát triển Xanh THDV trình bày chủ đề “Mô hình kinh doanh Nông nghiệp Hữu cơ & Năng lượng Xanh”.
TS. Michael Parsons trình bày tham luận với chủ đề “Các vấn đề trọng yếu về năng lượng, hệ thống giao thông, kinh tế tuần hoàn và thị trường carbon tại Việt Nam”
Ông Phạm Nam Hưng trình bày chủ đề “Chính sách phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, vai trò của các bên liên quan”
Ông Phạm Minh Tuấn trình bày chủ đề “Quan điểm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam từ các nhà đầu tư tư nhân”
Ông Đỗ Đức Tiến trình bày chủ đề “EKI và thị trường Các-bon tại Việt Nam”
TS. Mai Huy Tân trình bày chủ đề “Mô hình kinh doanh Nông nghiệp Hữu cơ & Năng lượng Xanh”
PGS.TS. Đinh Đức Trường - Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị điều hành thảo luận về các điểm đầu vào của mạng lưới CCG Việt Nam
Cũng tại Tọa đàm, PGS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu từ trong và ngoài nước đã tham dự tọa đàm cũng như tham gia vào mạng lưới CCG Việt Nam. PGS. Đinh Đức Trường đã dành nhiều thời gian để trao đổi và thảo luận với các đại biểu về các điểm bắt đầu, các lĩnh vực trọng tâm cần phải thực hiện để đáp ứng các nhu cầu Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Cũng theo PGS.TS Đinh Đức Trường, mạng lưới CCG Việt Nam sẽ là cầu nối để mở rộng sự hợp tác với các trường đại học đối tác tại Anh trong mạng lưới CCG để triển khai các nghiên cứu và cải thiện các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày, bốn phiên thảo luận song song đã được tổ chức bao gồm các đại biểu đến từ (1) các cơ quan quản lý; (2) các doanh nghiệp; (3) các trường đại học, viện nghiên cứu; (4) các tổ chức phi chính phủ và công chúng. Các phiên thảo luận được tổ chức nhằm mục đích ghi nhận các góc nhìn, các phản ánh và nhu cầu thực tiễn từ các bên liên quan để xây dựng các điểm đầu vào và các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
Các đại biểu thảo luận tại phiên song song
Cũng trong khuôn khổ chương trình, trước giờ khai mạc Toạ đàm, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đã có buổi tiếp đón thân mật và trò chuyện cùng các đại biểu đến từ Chương trình CCG toàn cầu, các trường đại học thuộc mạng lưới CCG, các diễn giả khách mời. Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương đã gửi lời cảm ơn đến đoàn cán bộ Chương trình CCG toàn cầu và các vị khách quý sẽ có một buổi Tọa đàm Khởi động mạng lưới CCG Việt Nam thành công và thú vị tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân./.
Theo Khoa MT, BĐKH&ĐT và Phòng Truyền thông - https://www.neu.edu.vn/